Cẩm lai

Cẩm lai

(Nguồn tài liêu:  Giáo trình Thực vật rừng, Trường Đại học Lâm nghiệp. Các tác giả, Lê Mộng Chân Thị Huyên ; Địa chỉ xuất bản, Nxb Nông nghiệp ; Năm xuất bản 2000).

Tên thường dùng: Cẩm lai

Tên khác: tên khác cũ Cẩm lai bà rịa

Tên khoa học         Dalbergia oliverii Gamble

Tên khoa học rút gọn thường dùng: Dalbergia oliverii

Họ thực vật: Họ đậu Fabaceae

Đặc điểm hình thái: cây gỗ lớn, cao 20 – 30 mét, đường kính 40 – 60cm, thường xanh, tán rộng. Vỏ màu xám, điểm đốm màu trắng vàng, phân cành sớm, mọc chếch. Cành non nhẵn, màu xanh nâu sau chuyển màu xám nhạt.

Lá kép lông chim một lần mọc cách. Cuống chung mảnh, dài 10 – 12cm, có 11 – 13 lá nhỏ hình mác thuôn dài 3 – 5cm, rộng 1,5 – 2,5cm.

Hoa nhỏ màu trắng hợp thành chùy ở đầu cành hoặc nách lá gần đầu cành, nhẵn. Cánh đài màu xanh ở gốc. Cánh tràng màu trắng.

Quả đậu dẹt, dài 12 – 14cm, rộng 2,5cm, có 1 – 2 hạt, màu đen nhạt dài 9 mm, rộng 6mm. Cây ra hoa tháng 12 đến tháng 2; mùa quả tháng 4 đến tháng 5.

Đặc điểm sinh thái: cẩm lai có tốc độ sinh trưởng tương đối chậm, khi còn nhỏ cây chịu bóng tốt.

Phân bố trong tự nhiên, loài phân bố những khu rừng rậm nhiệt đới. Cẩm lai có thể sinh trưởng được nhiều loại đất trồng khác nhau như: đất phù sa cổ nâu vàng, đất feralit nâu đỏ, hoặc đất feralit xám.

Giá trị: gỗ cẩm lai thuộc nhóm 1 trong bảng xếp hạng gỗ ở Việt Nam, là nhóm gỗ quý có màu sắc ấn tượng, vân đẹp, giá trị kinh tế cao. Giá bán gỗ cẩm lai trên thị trường hiện nay khoảng 90 triệu đồng/m3.

Tình trạng: gỗ quý hiếm, ở rừng tự nhiên chỉ có trong rừng đặc dụng được bảo vệ nghiêm ngặt. Hiện nay đang được gieo trồng nhiều nơi thuộc các tỉnh miền Đông Nam Bộ.